Mắc Khén Là Gì & Cách Sử Dụng

Mắc Khén Là Gì ?
Mắc khén, hay Má-khén, là loại gia vị nổi tiếng của vùng miền núi Tây Bắc, Việt Nam. Cây mắc khén sau khi ra trái, sẽ được hái lượm và phơi khô để dùng dần trong năm. Tuy được ví như tiêu của rừng, nhưng mắc khén hoàn toàn có hương vị và cách sử dụng khác biệt, mang đặc trưng của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.
Gia vị không thể thiếu trong căn bếp người Tây Bắc
Mắc khén ngon nhất khi được chế biến lúc quả còn tươi, vừa hái lượm, đượm màu xanh lá. Tuy nhiên, nhằm cất trữ và sử dụng dần trong năm, mắc khén tươi được phơi khô cả phần quả và phần hạt trong căn bếp của những ngôi nhà vùng cao. Thành quả là các hạt màu sẫm, mà người ta hay gọi luôn là hạt mắc khén.
Hầu hết các món ăn của đồng bào dân tộc Thái nơi đây đều sử dụng mắc khén làm gia vị. Loại gia vị này có mùi thơm nồng nàn, thơm hơn hạt Tiêu, cay nhè nhẹ, hơi gây tê khi thưởng thức, và đặc biệt hoàn hảo khi kết hợp cùng hạt Dổi. Đây là hai loại gia vị được xem là linh hồn ẩm thực nơi đây.
Cách chế biến mắc khén đúng cách
Sơ chế
Tương tự hạt dổi, mắc khén phải được nghiền ra thành dạng bột và sử dụng đến đâu sơ chế đến đấy. Để dậy mùi thơm, mắc khén khô được rang đều trên chảo nóng. Vì mắc khén nhiều tinh dầu, nên sau khi rang phải để nguội từ 30 đến 40 phút mới đem đi giã, nghiền, hoặc xay thành bột. Điều này tránh cho bột không bị vón cục bởi tinh dầu.
Kết hợp với các món ăn khác:
Mắc khén chắc chắn là gia vị không thể thiếu trong các món ăn đặc sản Tây Bắc. Mắc khén thường được dùng để chế biến cùng:
Món nướng: Mắc khén hoàn hảo khi sử dụng làm gia vị ướp món nướng. Khi kết hợp thêm cả cùng hạt Dổi, món ăn sẽ dậy lên mùi thơm phưng phức đặc trưng, gợi nhớ đến cả một vùng trời Tây Bắc. Đặc biệt với các món gà tre nướng, cá suối nướng,… hương vị miền sông núi như hiện ngay trước mắt người thưởng thức.
Món khô truyền thống: chính là các món thịt gác bếp nổi tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Thịt gác bếp đặc biệt đến thế tất cả đến từ mắc khén.
Gia vị chấm: Gia vị chấm với mắc khén đơn giản chỉ cần trộn muối, hoặc nước mắm. Phức tạp hơn là chế biến chẩm chéo – thức chấm kết hợp với rau rừng rất khác biệt.